Triglycerides: Chỉ số quan trọng của sức khỏe tim mạch
Khi hai hay ba mươi tuổi, bạn sẽ không bao giờ để ý tới sức khỏe tim mạch, mỡ máu cao hay tăng huyết áp là gì, trừ khi đã chứng kiến người thân trong gia đình hoặc ai đó trải qua một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nhưng khi bạn bước vào tuổi trung niên thì hoạt động của các cơ quan trở nên suy yếu, từ đó cũng tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch, điển hình như nguy cơ bị rối loạn mỡ máu – tiền đề của bệnh mạch vành. Vì vậy, hiểu rõ về cách kiểm soát các chỉ số mỡ máu như LDL- cholesterol, HDL – cholesterol, Triglycerides là một trong những cách để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hôm nay ViCare giúp bạn tìm hiểu về Triglycerides: Chỉ số quan trọng của sức khỏe tim mạch
Triglycerides là gì?
Triglycerides hay còn gọi là chất béo trung tính, được sản xuất trong gan, có vai trò cung cấp năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa trong cơ thể. Đây là dạng chất béo thông thường nhất mà chúng ta tiêu thụ và là thành phần chính yếu của các loại dầu thực vật hay mỡ động vật.
Các phân tử triglycerides cấu tạo gồm 3 acid béo và glycerol. Để được hấp thu, 3 thành phần này phải được tách riêng ra trong ruột non, sau đó kết hợp với cholesterol để tạo thành chylomicrons - đây là nguồn năng lượng cho các tế bào hoạt động. Chúng có thể được dự trữ tại mô mỡ, tế bào gan và được huy động khi cơ thể cần năng lượng.
Triglycerides cao và nguy cơ tim mạch
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nồng độ chất béo trung tính triglycerides trong máu cao sẽ thúc đẩy nguy cơ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, đặc biệt là ở những người có nồng độ HDL thấp hoặc những người có bệnh tiểu đường loại 2. Sự tích tụ của các mảng chất béo có thể làm thu hẹp lòng mạch máu, dẫn đến các bệnh lý về tim mạch.
Bình thường nồng độ triglycerides trong máu dưới 150mg/dL. Khi cao tới hơn 200 mg/dl, người bệnh sẽ dễ bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành và đột quỵ. Khi cao tới hơn 500 mg/dl sẽ cần phải sử dụng thuốc điều trị để giảm xuống.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều cho rằng chất béo trung tính đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề về tim. Triglycerides cao có xu hướng xuất hiện cùng với các vấn đề khác, như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, LDL–cholesterol "xấu" cao và HDL-cholesterol "tốt" thấp. Theo họ, thật khó để biết chắc chắn vấn đề là do một mình triglyceride gây ra. Ví dụ, một số người do di truyền mà có nồng độ chất béo trung tính cao, nhưng họ không có nguy cơ mắc bệnh tim. Một số khác cho rằng triglycerides cao chỉ đóng một vai trò nhỏ khi đã xuất hiện bệnh tim.
Làm thế nào để biết chỉ số triglycerides ?
Triglycerides trong máu được đo bằng một xét nghiệm máu đơn giản. Đây là chỉ số luôn được xác định cùng một lúc với các chỉ số cholesterol máu khác (HDL, LDL) và luôn có trong kết quả xét nghiệm máu của bạn. Trước khi đo Triglycerides cần nhịn ăn trong khoảng 9-12 giờ, bởi nồng độ chất béo trong máu bị ảnh hưởng bởi thức ăn gần thời điểm đo. Kết quả sai số cao có thể xảy ra nếu các xét nghiệm máu được thực hiện sau khi ăn.
Vậy điều trị Triglycerides cao bằng cách nào?
Kiểm soát triglycerides cao và cholesterol cao là một hành trình điều trị lâu dài đối với người bệnh, có thể thực hiện được bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc khi cần thiết. Đưa nồng độ chất béo trung tính trở về bình thường làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi.
Một số gợi ý giúp bạn điều trị hiệu quả triglycerides cao
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần để tăng cholesterol tốt HDL
- Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo: đồ chiên rán, xúc xích, thịt hun khói, thịt mỡ, thịt đỏ
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều rau, hoa quả, các loại hạt như lạc, đậu.
- Tránh các loại thực phẩm có lượng đường cao như kẹo. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như các loại đậu và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt.
- Ăn nhiều cá hơn. Chọn cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu và cá ngừ cá hồi. Nồng độ Omega-3 cao có thể làm giảm nồng độ triglycerid máu.
- Giảm bớt lượng rượu tiêu thụ.Thực phẩm giàu calo, đường, đồ uống có cồn có thể làm tăng nồng độ triglyceride.
- Làm giảm lượng mỡ dư thừa bằng chế độ giảm cân hợp lý, trong đó có sự kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm soát tốt các bệnh đang mắc phải như bệnh tiểu đường, cao huyết áp.